1. Trang chủ
  2. /
  3. Kinh tế
  4. /
  5. Bắc Ninh: Chuyển đổi số ngành Ngân hàng tăng khả năng sử dụng các dịch vụ tài chính

Bắc Ninh: Chuyển đổi số ngành Ngân hàng tăng khả năng sử dụng các dịch vụ tài chính

Với xu hướng đem đến những tiện ích đa dạng trên nền tảng công nghệ hiện đại, ngành Ngân hàng tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số nhằm tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính của khách hàng.

Góp phần cùng hệ thống BIDV Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu: Đến năm 2030 trở thành một trong những ngân hàng có nền tảng số tốt nhất, thời gian qua, BIDV chi nhánh Bắc Ninh triển khai nhiều giải pháp, từng bước chuyển đổi các quy trình hướng đến số hóa toàn phần trong tương lai gần. Việc tiếp nhận, xử lý các văn bản chỉ đạo cũng như quản lý, đánh giá cán bộ, nhân viên qua ứng dụng công nghệ thông tin, BIDV Bắc Ninh triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, phát triển các hình thức giao dịch bằng công nghệ mới thông qua dịch vụ thanh toán bằng thiết bị di động, quét mã vạch QR Pay, rút tiền ATM trên điện thoại không cần thẻ, ứng dụng BIDV Home – Vay mua nhà thông qua thiết bị di động…

Trong năm 2021, cùng với hoàn thành việc nâng cấp ứng dụng BIDV Smartbanking với giao diện mới, chi nhánh ra mắt gói dịch vụ B-Free mang đến cho khách hàng những ưu đãi vượt trội như: Miễn phí chuyển tiền online, miễn phí quản lý tài khoản/duy trì dịch vụ BIDV SmartBanking…

Bước đột phá của BIDV là ứng dụng công nghệ RPA (tự động hóa quy trình bằng Robot) trong nghiệp vụ thanh toán theo bảng kê được hình thành từ 3 công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là Robotic, trí tuệ nhân tạo và nhận diện ký tự quang học. Việc thay thế nhân viên bằng robot giúp BIDV tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí tiền lương và đẩy mạnh tự động hóa quy trình nghiệp vụ. Nhờ làm tốt các dịch vụ, kết quả hoạt động bán lẻ của BIDV chi nhánh Bắc Ninh tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Hết tháng 9, doanh thu dịch vụ tăng hơn 20% so cùng kỳ; 84.000 khách hàng sử dụng ngân hàng điện tử, tăng 30% so cùng kỳ.

Các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tăng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bản Việt Chi nhánh Bắc Ninh.
Các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tăng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bản Việt Chi nhánh Bắc Ninh.

Cũng là một trong những ngân hàng thực hiện chuyển đổi số từ rất sớm, Vietcombank Chi nhánh Bắc Ninh chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tuyến phục vụ khách hàng, qua đó, tạo điều kiện, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian đi lại cho khách hàng trong giao dịch thanh toán… Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, đến nay, đơn vị phát triển mạng lưới 63 máy ATM, hơn 1.000 POS và 500 QR Code tại các điểm bán lẻ, phát hành được gần 400.000 thẻ ghi nợ trong nước, quốc tế, thẻ tín dụng với doanh số thanh toán và sử dụng thẻ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng/năm; tổng số khách hàng cá nhân đăng ký dịch vụ VCB Digibank đạt gần 60.000 lượt đăng ký.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, toàn tỉnh tỷ lệ người dân thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công tiếp tục được đẩy mạnh, một số dịch vụ công có tỷ lệ thanh toán qua cao như: thuế, bảo hiểm xã hội, tiền điện… Một số đơn vị Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, Tpbank… triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chíp trong một số nghiệp vụ ngân hàng như: Xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch và qua mạng Internet (eKYC) để mở tài khoản, thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng số; xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM thay thế thẻ ATM do ngân hàng phát hành; nhiều nghiệp vụ được số hóa 100% (phát hành thẻ ngân hàng, mở tài khoản, gửi tiết kiệm trực tuyến, chuyển tiền,…), khách hàng không cần đến ngân hàng, không phát sinh giấy tờ theo hình thức truyền thống, qua đó vừa thúc đẩy chuyển đổi số, vừa góp phần cải cách thủ tục quy trình đối với khách hàng sử dụng dịch vụ NH.

NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm lộ trình chuyển đổi số quốc gia, phấn đấu là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, thực hiện thành công vượt tiến độ tiến trình chuyển đổi số trong toàn ngành, góp phần hiện thực hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

, , ,