1. Trang chủ
  2. /
  3. Kinh tế
  4. /
  5. Bắc Ninh cần nghiên cứu ban hành các giải pháp để doanh nghiệp phát triển vững mạnh

Bắc Ninh cần nghiên cứu ban hành các giải pháp để doanh nghiệp phát triển vững mạnh

Kinh tế, Xã hội

(Lược trích phát biểu đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh – trong phiên thảo luận ở tổ sáng ngày 22-10 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023).

Cần nghiên cứu ban hành các giải pháp để doanh nghiệp phát triển vững mạnh

Trong 9 tháng đầu năm 2022, có 112.698 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021. Để các doanh nghiệp chuẩn bị được sức khỏe tốt, hạn chế chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài và phát triển vững mạnh, trở thành nòng cốt cho phát triển kinh tế, theo tôi, cần một số giải pháp:

Một là, tập trung ưu tiên tháo gỡ các rào cản về thể chế, đặc biệt là hai chỉ số kém cạnh tranh nhất là hoạt động của khu vực công và quyền tài sản, bao gồm cả sở hữu trí tuệ và chất lượng hành chính đất đai, để cải thiện khả năng cạnh tranh, gia tăng niềm tin của doanh nghiệp và dân chúng.

Thể chế của chúng ta vẫn đứng ở vị trí thấp nhất trong các trụ cột và trở thành quốc gia có độ trễ một năm về tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong khi nhiều quốc gia đã chuyển đổi sang giai đoạn quản trị để thuận lợi hóa môi trường đầu tư. Cần thay đổi tư duy cải cách thể chế theo hướng đồng hành, hỗ trợ, coi doanh nghiệp là đối tác thay vì là đối tượng bị quản lý. Hoàn thiện các yếu tố then chốt như cơ sở dữ liệu thống nhất, nguồn lực con người và chính sách thực thi để xây dựng thành công chính phủ điện tử, tăng cường chất lượng dịch vụ công, thường xuyên tham vấn, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trong quá trình cung ứng các dịch vụ công; cập nhật khung pháp chế và thể chế mạnh nhằm đảm bảo quyền tài sản và sở hữu trí tuệ, tạo môi trường thuận lợi cho việc thương mại hóa ý tưởng kinh doanh, bởi lẽ không có nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào nơi mà tài sản và trí tuệ của họ không được bảo vệ.

Hai là, cần xây dựng các chính sách đặc thù về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm khơi dậy sức mạnh nội lực của doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tàu trong các lĩnh vực, bởi chính các doanh nghiệp này sẽ giữ vai trò quyết định trong việc định hình thị trường, tái cấu trúc ngành, giúp các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận chuỗi cung ứng và mang thương hiệu Việt vươn tầm thế giới.

Ba là, xây dựng bền vững các chuỗi cung ứng bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, gia tăng tỉ lệ nguồn cung nội địa và chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối diện với lạm phát và nguy cơ suy thoái toàn cầu ở mức cao hơn bao giờ hết càng thấy rõ tầm quan trọng của việc chủ động nguồn nguyên liệu và khả năng tự cung của quốc gia. Do vậy, cần rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch và cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương để tích tụ đất đai, xây dựng các vùng sản xuất nhằm chủ động về nguồn nguyên liệu.

Bên cạnh đó, cần tập trung khai thác và mở rộng thị trường trong nước mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa nhằm tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài thông qua tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động kích cầu tiêu dùng trong nước; giảm thiểu khâu trung gian trong phân phối nội địa; xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt; đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ. Bởi, thị trường nội địa đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân sẽ là bệ đỡ, là điểm tựa an toàn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bốn là, điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, bám sát tình hình thực tiễn nhằm gia tăng nguồn lực cho doanh nghiệp, hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, tạo ra cung hàng hóa, cân đối phương pháp hỗ trợ phù hợp giữa mục tiêu ngắn hạn và đầu tư phát triển lâu dài, cũng như khả năng hấp thụ của từng ngành, lĩnh vực. Cùng với các giải pháp giảm tác động đồng thời của chi phí đẩy như nguyên liệu đầu vào, vận tải, logistic, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tác động của giá thế giới… sẽ giúp giảm áp lực lạm phát; Tháo gỡ các nút thắt để giải ngân theo kế hoạch, nếu nền kinh tế không hấp thu được nguồn lực thì sẽ lâu hồi phục.

Cần nghiên cứu, đánh giá bài học kinh nghiệm từ chính sách “diều hâu” nhằm thắt chặt cung tiền và nâng lãi suất như FED, ECB đang làm hay chính sách “bồ câu” ưu tiên nới lỏng như Trung Quốc đang hướng đến, để thận trọng trong từng quyết sách, nhằm đạt mục tiêu kép kiểm soát lạm phát và tạo động lực thúc đẩy thị trường phát triển. Nghiên cứu mở rộng đối tượng, ngành nghề hỗ trợ, tối giản, rút ngắn thủ tục, linh động trong xét duyệt đối tượng hỗ trợ, đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43 mà hiện nay mới chỉ giải ngân được khoảng 20% như các gói miễn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế tại Nghị định 31, 32, 34, 36…; gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng mới chỉ giải ngân được chưa đến 0,1% nhằm nâng cao khả năng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, tạo nguồn lực phát triển cho doanh nghiệp.

Năm là, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ sống còn của doanh nghiệp để tồn tại, tăng sức cạnh tranh và là cấu thành quan trọng để vận hành Chính phủ số. Chúng ta đã có thứ hạng tốt về công nghệ thông tin và chính sách thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp như Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, QĐ số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022… nhưng vẫn có đến khoảng 70% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại. Nguyên nhân là do chi phí chuyển đổi số cao, thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực, rủi ro rò rỉ thông tin, văn hóa, thói quen,… Do đó, cần phải tiếp tục phát triển đồng bộ cả về thể chế số, hạ tầng số, nền tảng số và nhân lực số; Tổ chức mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; xây dựng các gói hỗ trợ, bao gồm đào tạo nhân lực, các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau chia theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề…

,