1. Trang chủ
  2. /
  3. Doanh nghiệp
  4. /
  5. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng tại Bắc Ninh

Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng tại Bắc Ninh

Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và chỉ đạo của tỉnh Bắc Ninh, Chi nhánh NHNN tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, thông suốt và hiệu quả.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP An Bình Chi nhánh Bắc Ninh.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP An Bình Chi nhánh Bắc Ninh.

Theo ông Nguyễn Thạc Quảng, Phó Giám đốc NHNN tỉnh Bắc Ninh: Thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, Chi nhánh NHNN tỉnh có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD triển khai thực hiện từng nội dung cụ thể và tiến hành đánh giá thực trạng hoạt động để phân từng nhóm TCTD; cơ cấu lại gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, kinh doanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động các phòng giao dịch bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thực tế hoạt động. Đối với hệ thống QTDND, xây dựng phương án thực hiện từng năm, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định của pháp luật; nâng cao năng quản trị điều hành, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, phát huy tối đa lợi thế nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn và các dịch vụ tài chính cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi…

Qua thực hiện cơ cấu lại, hầu hết các TCTD trong tỉnh đều đạt hiệu quả cao từ chất lượng tài sản đến hoạt động tín dụng. Các chi nhánh Ngân hàng thương mại tích cực mở rộng, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, nhất là huy động vốn tại địa phương; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng cấp trên, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Toàn tỉnh thu hút được gần 70 chi nhánh NH, tổ chức tài chính, Văn phòng đại diện NH nước ngoài và QTDND cùng hàng nghìn điểm giao dịch, hệ thống máy ATM, POS. Mạng lưới TCTD ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại hóa, được giám sát chặt chẽ, tuân thủ theo quy định bảo đảm thực hiện tốt vai trò là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tính đến hết tháng 9-2022, tổng huy động nguồn vốn toàn ngành đạt 201.500 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 142.800 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng tập trung chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế của địa phương. Điều đáng nói là qua cơ cấu lại các TCTD và triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu, từ đầu năm đến nay các chi nhánh NH xử lý được khoảng hơn 500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu do khách hàng tự trả nợ (khoảng 370 tỷ đồng), hơn 130 tỷ đồng nợ xấu xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro. Đến ngày 30-9, tổng nợ xấu nội bảng trên địa bàn là 906,4 tỷ đồng, chiếm 0,64% tổng dư nợ cho vay, thấp hơn mức 1% so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu toàn địa bàn tiếp tục được kiểm soát ở mức an toàn theo mục tiêu đề ra của NHNN, nợ xấu của hệ thống QTDND chỉ còn 24,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,1% tổng dư nợ cho vay, thấp hơn giới hạn cho phép của NHNN.

Với mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại các TCTD từ nay đến năm 2025, toàn ngành phấn đấu xử lý cơ bản số nợ xấu hiện nay, kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn. Giải pháp trọng tâm của ngành, đó là triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh mới và nâng cao chất lượng tín dụng; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi, kiểm tra chặt chẽ khách hàng vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy mô, cơ cấu nguồn vốn và năng lực quản trị; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 1%.

, ,