1. Trang chủ
  2. /
  3. Địa phương
  4. /
  5. Bắc Ninh: Khai thác thế mạnh nuôi cá lồng trên sông

Bắc Ninh: Khai thác thế mạnh nuôi cá lồng trên sông

Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên sông Đuống, sông Thái Bình tại một số huyện Gia Bình, Lương Tài, Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ bằng hình thức nuôi cá lồng đã mở ra một nghề mới, góp phần đa dạng hình thức và đối tượng nuôi, cung cấp các sản phẩm thuỷ sản chất lượng, giá trị kinh kế cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều loài Cá chép lai, cá trắm cỏ, diêu hồng, nheo Mỹ… năng suất cao được đưa vào nuôi thâm canh, góp phần quan trọng làm tăng hiệu quả kinh tế, từng bước đưa sản xuất thủy sản phát triển theo hướng hàng hóa.

Hiện nay, số lượng lồng nuôi trên sông ước đạt 2.409 lồng, tăng 6,26% so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 142 lồng). Sản lượng cá lồng ước đạt 4.040 tấn. Theo ông Nguyễn Thành Trung, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản: Mặc dù là ngành nghề nuôi mới, song những năm gần đây, hình thức nuôi cá lồng trên sông thu hút được nhiều địa phương ven sông quan tâm và xác định là một trong những lĩnh vực phát triển kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. Chi cục tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị tỉnh quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế, chính sách để người dân có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, con giống, vật tư trang thiết bị đặc biệt là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Mặc dù diện tích nuôi trồng thủy sản dần bị thu hẹp, nhưng số lượng lồng nuôi trên sông ngày càng gia tăng và tăng cả về năng suất, sản lượng, chất lượng. Cá nuôi trong lồng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, nhiều chủng loại… góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho người nuôi. Môi trường nuôi cũng ít bị ô nhiễm do lượng oxy trong nước cao, nguồn nước được lưu thông thường xuyên, tạo thuận lợi để cá lồng sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng yêu thích, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Thực tế cho thấy, nuôi cá lồng trên sông cho năng suất cao hơn so với nuôi cá thâm canh trong ao, đạt từ 4 đến 6 tấn/ lồng nuôi. Mỗi năm, người nuôi có thể thâm canh 2 – 2,5 chu kỳ nuôi. Ông Đỗ Văn Lên, Giám đốc HTX nuôi trồng thuỷ sản Minh Tiến, xã Trung Kênh chia sẻ: Nuôi cá lồng trên sông giúp nâng cao mật độ nuôi khoảng 20 lần so với nuôi cá trong ao. Nếu bảo đảm được nguồn nước sạch, chăm sóc đúng kỹ thuật, hiệu quả kinh tế nuôi cá lồng trên sông mang lại gấp nhiều lần so với cách nuôi cá truyền thống. HTX hiện tại có khoảng 200 lồng cá, rất mong muốn được hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật để tiếp tục nhân rộng số lượng lồng nuôi trong thời gian tới.

Lồng nuôi cá trên sông Đuống của HTX Minh Tiến, xã Trung Kênh (Lương Tài).
Lồng nuôi cá trên sông Đuống của HTX Minh Tiến, xã Trung Kênh (Lương Tài).

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp với các đơn vị chức năng, các địa phương ven sông tiếp tục điều tra, đánh giá những vị trí có thể nuôi được cá lồng trên những đoạn sông còn lại và đánh giá sức tải của môi trường. Đồng thời khuyến cáo người nuôi đầu tư những giống thủy sản có năng suất, giá trị cao vào nuôi lồng trên sông. Cử cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi, nắm bắt hiện trạng cá nuôi để kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về môi trường nuôi, kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá… tạo thuận lợi cho cá sinh trưởng, phát triển.

Thực tiễn sản xuất cho thấy, các dịch vụ nghề cá chưa phát triển để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất trong khi vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất thuỷ sản nói riêng có nhiều rủi ro, hiệu quả thấp lên các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư còn hạn chế; tác động của biến đổi khí hậu lên thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, cá nuôi bị bệnh ngày càng tăng trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế sẽ là khó khăn thách thức lớn cho phát triển thuỷ sản nói chung và nuôi cá lồng trên sông nói riêng. Ngay như hiện tại, đang xuất hiện lác đác tại một số lồng nuôi hiện tượng cá Nheo mỹ (cá Lăng đen), cá Chép, cá Trắm cỏ, cá Điêu hồng bị chết rải rác; cá có biểu hiện chung bơi lờ đờ, bám góc lưới, màu sắc nhợt nhạt hoặc đen, thân cá có nhiều nhớt, vết loang trắng trên thân, miệng cá bị nấm, đốm đỏ, vẩy cá bị tuột, bụng cá bị đầy hơi… Để phòng, trị bệnh cho cá nuôi có hiệu quả, hạn chế thiệt hại xảy ra, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản đã có Công văn hướng dẫn về tăng cường phòng, trị bệnh cho cá. Đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện chỉ đạo các địa phương có hộ nuôi cá lồng trên sông thực hiện ngay các biện pháp phòng, trị bệnh cho cá, bảo đảm đàn cá phát triển ổn định.

Phát huy lợi thế sẵn có, việc khai thác thế mạnh về nuôi cá lồng trên sông sẽ thúc đẩy sản xuất thuỷ sản phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, góp phần thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong tình hình mới.

,