1. Trang chủ
  2. /
  3. Kinh tế
  4. /
  5. Rà soát, đánh giá rất thận trọng về động lực tăng trưởng tại Bắc Ninh

Rà soát, đánh giá rất thận trọng về động lực tăng trưởng tại Bắc Ninh

Kinh tế, Xã hội

(Lược trích phát biểu đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh – trong phiên thảo luận ở tổ sáng ngày 22-10 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023).

Rà soát, đánh giá rất thận trọng về động lực tăng trưởng tại Bắc Ninh

Trên cơ sở nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ cũng như về các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Tài chính, ngân sách, tôi cơ bản đồng tình cao. Tôi muốn trao đổi và phân tích thêm để làm sao chúng ta có được những giải pháp cũng như làm rõ những cơ sở của số liệu.

Chúng ta cần phải xét thêm bối cảnh trong nước và trên thế giới trong những tháng tới và năm 2023. Trong bối cảnh thế giới hiện nay có rất nhiều vấn đề nổi cộm như việc xung đột Nga, Ukraine tác động rất lớn. Thay vì chính sách của Trung Quốc vẫn tiếp tục làm gián đoạn các chuỗi cung ứng hay những vấn đề về những hệ quả của chính sách nới, phục hồi kinh tế và nới lỏng chính sách tiền tệ trong những năm qua của các nước đã tạo ra sự lạm phát. Đặc biệt, mới đây nhất chúng ta đã biết FED liên tục tăng lãi suất. Điều này cũng có tác động đặc biệt đối với nền kinh tế. Với bối cảnh phức tạp như vậy, việc nhận định, đánh giá với sự tăng trưởng, kết quả tăng trưởng như trong báo cáo đề cập chúng ta cần phải xem là động lực tăng trưởng trong thời gian qua là gì.

Chúng ta biết rằng một trong những chỉ số rất quan trọng không đạt được, đó là chỉ số về tăng năng suất lao động, lực tăng trưởng trong bối cảnh và năng suất lao động giảm, không đạt được mục tiêu đặt ra. Tổng mức đầu tư xã hội tăng không đáng kể, chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp cũng thấp hơn mục tiêu đặt ra. Với cách nhìn như vậy, rõ ràng chúng ta cần phải rà soát, đánh giá một cách rất thận trọng về động lực tăng trưởng để đạt được kết quả cũng như những chỉ số báo cáo về kết quả đã đạt được. Về chỉ số lạm phát, chúng ta có 2%, hiện đang thấp. Tuy nhiên, trên thực tế mỗi gia đình chúng ta đều thấy sự tăng giá trong thời gian vừa qua đối với các mặt hàng thiết yếu tác động đến người dân và doanh nghiệp rất rõ ràng như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, sách giáo khoa và nhiều chi phí khác tăng rất cao, nhiều mặt hàng tăng tính bằng lần, kể cả các loại nguyên vật liệu đầu vào mảng nông nghiệp tăng rất cao. Chúng ta cần cân nhắc để có chính sách kịp thời hạn chế những tác động của tăng giá hàng hoá đến người dân và doanh nghiệp. Về dự báo giá, tăng giá, một trong những nội dung mà tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng. Áp lực về tăng giá, lạm phát trong thời gian tới là rất cao. Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo liên quan đến vấn đề chúng ta phải tăng lãi suất cũng như nới rộng biên độ tỷ giá. Mặt khác nữa, một số mặt hàng vừa là nguyên liệu, cũng là vừa là sản phẩm tiêu dùng đứng trước áp lực tiếp tục tăng giá, ví dụ như ngành điện. Năm nay EVN đối mặt với 1 năm lỗ kỷ lục. Như vậy, áp lực tăng giá điện và trước kỳ họp Quốc hội đã có điều chỉnh bảng giá điện. Và rõ ràng, việc tăng giá điện sẽ tiếp tục có tác động đến các chỉ số giá tiêu dùng. Đây là những vấn đề đặt ra về áp lực lạm phát. Trong thời gian tới chúng ta phải có chính sách phù hợp để kiềm chế được lạm phát.

Về vấn đề thu ngân sách, tôi đồng tình với báo cáo. Tuy nhiên, vẫn thấy rằng thu ngân sách của chúng ta chưa thực sự bền vững. Tốc độ tăng thu ngân sách chỉ 2 khoản chính là từ dầu thô và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, còn ở các khối kể cả khối đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đều chưa đạt mục tiêu đề ra. Chúng ta đang xây dựng chính sách dự toán thu ngân sách rất thận trọng, vô hình chung sẽ làm giảm không gian về chính sách tài khoá, không chủ động được cho kế hoạch chi ngân sách để đảm bảo cho phục hồi và phát triển kinh tế. Một trong những nội dung chúng ta nói đến rất nhiều nhưng khi thực hiện không cao. Chúng ta khi đầu tư đã có độ trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, năm vừa qua còn thấp hơn năm 2021, tức là năm bị covid. Đây là một thách thức không nhỏ. Chúng ta cần có giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Một năm nay, báo cáo thành lập mới hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp giải thể cũng rất cao. Để có đánh giá một cách thực chất, tôi nghĩ rằng cần tính những doanh nghiệp phát sinh số thuế trong kỳ, tức là doanh nghiệp có hoạt động, mở rộng hoạt động hay doanh nghiệp phải có thực hiện bảo hiểm xã hội rõ ràng. Như vậy mới có số liệu báo cáo rất thật về bức tranh toàn cảnh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

, ,